I. TÌNH HÌNH MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HIỆN NAY
Trong những năm qua công tác đấu tranh phòng, chống kiểm soát ma túy trên địa bàn huyện được tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện nghiêm túc đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần giữ vững tình hình ANTT, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Tuy nhiên người nghiện và địa bàn có người nghiện còn phát sinh, tính đến ngày 30/6/2018 toàn huyện 454 người nghiện có hồ sơ quản lý và 170 đối tượng có dấu hiệu nghiện; có 15/15 xã, thị trấn và 69 /108 thôn, khối phố có người nghiện ma túy. Trong 6 tháng đầu năm 2018 Công an huyện đã phát hiện và xử lý hành chính 14 đối tượng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; phát hiện 08 vụ, bắt giữ 08 đối tượng và đã khởi tố vụ án, bên cạnh đó Phòng PC 47 Công an tỉnh phát hiện 01 vụ và bắt 01 đối tượng có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện Tiên Phước. Người nghiện sử dụng ma túy nhiều chủng loại, nhất là ma túy tổng hợp dạng Methamphetamine (ma túy đá) tiếp tục lây lan nhanh trong cộng đồng và ngày càng trẻ hóa; hiện nay có 132 đối tượng đang uống Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước và đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm 05, 06 huyện Hiệp Đức 53 đối tượng.
Tội phạm về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp ở các địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh như: Tiên Cảnh, Tiên Mỹ, Tiên Thọ, Tiên Hà, Tiên Châu, Tiên Cẩm… Người sau cai nghiện về ma túy tiếp tục tái phạm còn cao; phương thức thủ đoạn buôn bán ma túy tinh vi khó phát hiện; lượng ma túy thẩm lậu vào địa phương ngày càng tăng về số lượng, đa dạng về chủng loại,... thực trạng đó đã tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
II. TÁC HẠI CỦA MA TÚY
1. Đối với cá nhân
- Tất cả người nghiện ma túy đều bị ảnh hưởng thần kinh và có thể bị bệnh tâm thần.
- Do số lượng chất ma túy đưa vào cơ thể thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của người nghiện, nên dẫn đến các biến chứng về sinh lý như nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng não, lao phổi, tim mạch, gan nhiễm siêu vi B, hoại tử, AIDS... suy nhược cơ thể, dẫn đến đột tử.
- Năng lực học tập, làm việc sa sút. Nhân cách thay đổi, trở nên nhu nhược, yếu đuối, ý chí suy sụp, nghị lực kém. Khi no thuốc, dành tất cả thời gian để tận hưởng; người lớn tuổi tìm chỗ yên tĩnh nằm, người trẻ tuổi dễ bị kích động, lao vào những cuộc chơi nguy hiểm, gây sự đánh nhau, đua xe... Khi đói thuốc, sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả tội ác buôn bán ma túy, trộm cắp, cướp giật, giết người...
2. Đối với gia đình
- Buồn khổ vì trong nhà có người nghiện; công việc làm ăn của gia đình bị ảnh hưởng
- Mất mát tài sản, ảnh hưởng về mặt tài chính vì người nghiện phung phí tiền bạc, của cải để mua ma túy.
- Tan vỡ hạnh phúc gia đình nếu chồng hay vợ nghiện ma túy, con cái bị bỏ bê.
- Tai tiếng, xấu hổ với hàng xóm láng giềng và bà con thân tộc vì trong nhà có người nghiện.
- Tốn tiền bồi thường cho nạn nhân do người nghiện gây tổn hại sức khỏe đến họ.
-Tốn tiền bạc công sức và thời gian chăm sóc khi người mắc những chứng bệnh do sử dụng các chất gây nghiện.
- Tốn thời gian thăm nuôi khi người nghiện phải vào tù vì phạm pháp. Bồi thường tiền cho gia đình nạn nhân.
- Nghiện ma tuý ảnh hưởng đến sự phát triển nòi giống.
3. Đối với xã hội
- Nghiện ngập là đầu mối dẫn đến những tệ nạn xã hội. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện người nghiện không từ một hành vi nào để kiếm tiền. Những hành vi phạm pháp như: trộm cắp, móc túi, giật đồ...thậm chí giết người họ cũng dám làm.
- Do tác hại ảo giác của một số loại ma túy người nghiện có thể có hành vi hung hãn, gân hấn, quậy phá gây mất trật tự an ninh xã hội...
- Xã hội mất tiền do người nghiện sử dụng để mua ma túy, nếu mỗi người nghiện sử dụng từ 10.000 đến 30.000 đồng mỗi ngày thì người nghiện huyện ta tiêu tốn gần 14 triệu mỗi ngày, hơn 420 triệu mỗi tháng và hơn 5 tỷ đồng mỗi năm (số tiền thật sự chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều lần).
- Tốn kém do phải xây dựng lực lượng phòng và khắc phục, giải quyết các hậu quả do ma túy đem lại.
- Bọn buôn lậu ma túy hoạt động tinh vi, tìm mọi cách dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên.
- Một số người nghiện ma túy mà thiếu tiền mua ma túy sẽ tiếp tay hay rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo thậm chí cả bắt buộc người khác dùng ma túy hòng bán ma túy để kiếm tiền sử dụng ma túy.
- Người bán ma túy dụ dỗ trẻ nhỏ đi bán ma túy và ép buộc trẻ này dùng ma túy để dễ bề sai khiến.
- Thanh thiếu niên sống gần môi trường có nhiều cám dỗ ma túy, sống gần những nơi có mua bán ma túy thì rất dễ bị lôi kéo sa vào con đường nghiện ngập ma túy hơn.
- Nghiện ma túy gây tổn hại, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa – xã hội; lây lan các căn bệnh xã hội.
III. BIỂU HIỆN NGHIỆN CỦA MỘT SỐ LOẠI MA TÚY THƯỜNG GẶP
Heroin
|
- Nóng nảy, bồn chồn, hay bẻ tay, nói lý lẽ hay làm bất cứ chuyện gì để có thuốc
- Ngáp vặt, đau quặn bụng, chảy nước mắt sống, vã mồ hôi, tiêu chảy, đồng tử nở lớn
|
- Thích êm dịu, trầm tư
- Thích quan hệ tình dục tập thể
- Mắt long lanh, mặt hơi hồng, vẻ ngây dại, uống nhiều nước, đồng tử teo nhỏ.
|
Thuốc phiện
|
- Hoang mang, sợ hãi, nói dối như thật để xin tiền.
- Ra khỏi nhà khi đến cữ. Đau bụng, vã mồ hôi, mặt nhợt nhạt, đồng tử nở lớn.
|
- Thích ở một mình, sợ tiếng ồn, tỏ ra siêng làm việc vặt, kể chuyện huyên thuyên, lộn xộn.
- Ngứa như có kim châm nhẹ trên da, nóng trong cơ thể, mí mắt nặng.
- Xuất hiện các cố tật như: nhổ râu, cắn móng tay, nặn mụn...
|
Cần sa
|
- Buồn chán, kém tập trung tư tưởng, bồn chồn tìm mọi cách ra khỏi nhà, ngang bướng, phản ứng với người trong nhà.
- Nhức đầu, vã mồ hôi, mặt nhợt nhạt, tim đập mạnh
|
- Thích nghe nhạc mạnh, nói năng, ca hát huyên thuyên, cười khóc tự nhiên, tự hủy hoại thân thể.
- Mặt đỏ, mắt đỏ, mùi khét đặc biệt ở gáy và miệng.
|
Thuốc an thần, gây ngủ, ma túy tổng hợp
|
- Nóng nảy, bồn chồn, bứt rứt, dễ gây gổ với mọi người.
- Ngáp vặt, chảy nước mắt, mước mũi, vã mồ hôi, tiêu chảy, đồng tử nở lớn.
|
- Hưng phấn, kích động mất tự chủ, dễ sinh sự đánh nhau, tự hoại thân thể.
- Mặt đỏ, mắt đỏ, người nóng, uống nhiều nước.
|
IV. CÁC DẤU HIỆU BÁO ĐỘNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH NGHIỆN
1. Các dấu hiệu phát hiện sớm của nghiện ma túy
Người nghiện ma túy thường tìm mọi cách để giấu người thân, gia đình hành vi dùng ma túy của mình. Tuy vậy, cũng có thể nghi ngờ nếu có các dấu hiệu kể dưới đây mặc dù không thể dựa vào các dấu hiệu này để biết chắc chắn có nghiện hay không:
- Giờ giấc bất thường, hay rời nhà vào những giờ cố định hoặc tranh cãi, thuyết phục người trong gia đình để được tự do hơn trong giờ giấc sinh hoạt, bước ra khỏi sự quản lý của gia đình.
- Tính tình thay đổi, có nhiều lúc các em hưng phấn, cười nói vô cớ, nói nhiều những câu chuyện cứ lặp đi lặp lại, có lúc lại ủ rũ, uể oải gay ngáp vặt, ít chịu tiếp xúc với người thân trong gia đình, ít quan tâm hơn đến vệ sinh cá nhân.
- Không giao tiếp với người nhà, trốn vào một góc riêng biệt để lơ mơ, lim dim tận hưởng những con “phê” ma túy.
- Nói nhiều, vui vẻ, hoạt bát, thích âm thanh mạnh. Sau đó trốn vào góc riêng nằm nhắm mắt lim dim, cáu gắt nếu bị quấy rầy.
- Thường xin tiền nhưng không sử dụng vào lý do chính đáng.
- Sự học hành bê trễ, sa sút. Không còn sự linh hoạt tinh khôn.
- Dễ nóng nảy cáu gắt nhất là lúc đang “phê”.
- Lơ đãng, ngủ gật trong lớp.
- Thức khuya hơn không do bận học hay công việc, ngủ dậy muộn hơn.
- Các loại ma túy có thể gây táo bón, khó tiểu nên các em vào phòng vệ sinh lâu hơn bình thường.
- Mắt thường xuyên đỏ; miệng, gáy, tóc, cổ áo có mùi khét (bồ đà).
- Đồng tử (con ngươi) mắt giãn, mặt rịn mồ hôi, da mặt ửng đỏ.
- Nếu phát hiện các em giữ các loại thuốc mà ta biết chắc là không để chữa bệnh thì coi chừng các em đang lạm dụng các loại ma túy tân dược (thuốc an thần, thuốc ngủ gây nghiện).
2. Vài dấu hiệu chắc chắn
- Hút bồ đà có mùi khét rất khó ngửi.
- Hít heroin: các em thường để heroin trên miếng giấy bạc rồi đốt lửa ở dưới cho khói trắng bay lên rồi hít khói trắng bằng một ống nhỏ ngậm trong miệng (thường các em dùng tiền để quấn ống).
- Đang chích ma túy cho nhau.
- Về dấu hiệu của tiêm chích ma túy, có thể nhìn thấy dấu kim ở các mạch máu trên mu bàn tay, vùng cổ tay, mặt trên khuỷu tay, hay mặt trong của mắt cá chân của các em.
- Dấu hiệu hủy hoại thân thể: dùng dao, vật bén rạch hoặc dùng đầu thuốc lá đố cổ tay, khuỷu tay để lại dấu thẹo.
- Khi thiếu ma túy có thể có dấu hiệu ngáp vặt, chảy nước mắt nước mũi, đau nhức vật vã, bồn chồn sợ hãi, tìm đủ mọi cách để có ma túy.
3. Cách phòng tránh nghiện ma túy trong thanh, thiếu niên
- Tình trạng sử dụng ma túy trên địa bàn huyện ngày càng nghiêm trọng. Đa số con nghiện hiện nay là thanh niên (chiếm 70-80% số người nghiện ). Ma túy hiện nay đã lây lan đến nhiều địa bàn thôn, khu phố và đe dọa từng gia đình.
- Hiện nay bọn mua bán ma túy đang nhắm vào đối tượng thanh thiếu niên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu sự quan tâm giáo dục, chăm sóc của người thân, số thanh thiếu niên đang có các biểu hiện đua đòi thích hưởng thụ,...trong số đó có cả các em học sinh. Ban đầu có thể chúng mời mọc, rủ rê, tặng không ma túy cho các em dùng thử một thời gian để làm cho các em nghiện, sau vài lần sử dụng ma túy sinh ra nghiện phải lệ thuộc hẳn vào chúng, hàng ngày phải mua hoặc phải bán ma túy cho bọn chúng.
- Có những trường hợp chúng còn hăm dọa, ép buộc các em phải sử dụng các chất nguy hiểm này rồi sau đó khi các em đã nghiện phải lệ thuộc vào chúng mới có ma túy, chúng buộc các em phải đi bán ma túy cho chúng.
- Gia đình và nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp các em tự bảo vệ để không sa vào con đường nghiện ngập. Các bậc phụ huynh phải thấy được đầy đủ, sâu sắc hiểm họa ma túy đối với con cái mình và hạnh phúc của gia đình mình. Phụ huynh phải quan tâm, gần gũi, có sự hiểu biết, có cách quản lý, giáo dục con cái mình tốt hơn.
- Trên quy mô toàn xã hội thì đây là công việc rất khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức, tiền bạc đồng thời phải có sự phối hợp giữa các cơ quan đoàn thể, nhà trường, gia đình.
- Các bậc phụ huynh cần biết rằng chính phụ huynh có thể góp phần vào việc giáo dục, phòng ngừa ma túy cho con em bằng các biện pháp sau:
+ Giải thích cho con em hiểu ma túy là gì, tác hại của ma túy ghê gớm ra sao, khuyên bảo các em không nghe theo lời rủ rê, mời mọc của bạn bè, của bất cứ người nào để dùng thử ma túy.
+ Quan tâm, ân cần theo dõi con cái, không nên khoán trắng việc giáo dục cho nhà trường.
+Thường xuyên nhắc nhở, dặn dò con em khi có bạn bè hay bất cứ người nào mời chào, rủ rê uống, hút, hít bất cứ loại thuốc nào để gây “sảng khoái”, “hưng phấn”, “kích thích”, “mang lại thích thú”, “mang lại khoái lạc”, “làm giảm buồn chán”... thì phải dứt khoát từ chối và báo ngay cho ba mẹ thầy cô biết.
+ Dặn con em rằng nếu có ai đó hăm dọa, ép buộc sử dụng một chất lạ nào thì phải báo ngay cho cha mẹ, thầy cô biết.
+ Quan tâm chăm sóc, gần gũi để các em thấy cha mẹ là chỗ dựa vững chắc, là người bảo vệ hữu hiệu đối với các em để các em thổ lộ tâm sự.
+ Hướng dẫn các em để chúng có khả năng tự từ chối ma túy, nói KHÔNG với cái xấu, tự mình có đủ bản lĩnh để từ chối. Các bậc phụ huynh không thể nào có thời gian để kè kè theo sát các em mọi lúc, mọi nơi được. Nâng cao khả năng tự quyết của các em là biện pháp hữu hiệu chống ma túy.
+ Không nên nuông chiều cho trẻ quá nhiều tiền để tiêu xài khi đến trường. Chính việc được cung cấp quá nhiều tiền mà các em có điều kiện để đua đòi, bắt chước các bạn khác tập tành ăn chơi, trong đó có việc sử dụng ma túy. Nên kiểm tra việc chi tiêu của các em.
+ Quan tâm đến các mối giao tiếp của con em, các mối quan hệ bạn bè của các em. Đương nhiên việc kiểm tra phải tế nhị ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Các em rất khó chịu khi thấy các phụ huynh quản lý quá chặt chẽ.
+ Khi thấy các em sa đà vào các hoàn cảnh nguy cơ hoặc có các dấu hiệu sớm của việc nghiện ma túy thì phụ huynh cần quan tâm theo dõi con em sát sao hơn. Nếu nghi ngờ con em dùng ma túy thì phụ huynh phải đích thân tìm hiểu rõ.
4. Trách nhiệm phòng, chống ma túy
4.1. Trách nhiệm của cá nhân, gia đình
- Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý; quản lý không để thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý.
- Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh.
- Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma tuý của thân nhân và của người khác.
- Phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma tuý cho cơ quan Công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
- Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.
- Phát hiện, báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma tuý; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma tuý do chính quyền địa phương tổ chức.
4.2. Trách nhiệm của người nghiện ma túy
- Tự khai báo về tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc UBND xã, thị trấn nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện ma túy.
- Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện ma túy.
- Trong thời gian cai nghiện bắt buộc, người nghiện ma túy có trách nhiệm tuân thủ nội quy và chịu sự quản lý, giáo dục của cơ sở cai nghiện bắt buộc; lao động, học tập, chữa bệnh để cai nghiện và góp phần đảm bảo đời sống trong thời gian cai nghiện.
4.3. Trách nhiệm của gia đình có người nghiện ma túy
- Khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã, thị trấn về người nghiện ma túy trong gia đình mình và đăng ký cai nghiện cho người đó.
- Động viên, giúp đỡ và quản lý người nghiện cai nghiện tại gia đình theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.
- Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.
4.4. Đối với cơ quan, tổ chức trong phòng chống ma túy
- Phát hiện, cung cấp nhanh các thông tin về tệ nạn ma túy cho cơ quan Công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết kịp thời những thông tin, tố giác về tệ nạn ma túy.
- Các cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức rõ về tác hại của ma túy; chủ trương, chính sách, pháp luật, biện pháp của nhà nước về phòng, chống ma túy.
4.5. Đối với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trong phòng chống ma túy.
- Tổ chức và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh.
- Phòng ngừa, ngăn chặn người của tổ chức mình và mọi công dân tham gia tệ nạn ma túy.
- Giám sát hoạt động phòng, chống ma túy ở cơ quan, nhà trường, các cơ sở giáo dục khác và địa bàn dân cư.
- Phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền để vận động cai nghiện ma túy; tham gia giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái nghiện.
4.6. Trách nhiệm của nhà trường trong phòng, chống ma túy
- Tổ chức chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và lối sống lành mạnh cho học sinh; quản lý chặt chẽ học sinh tham gia tệ nạn ma túy (nếu có).
- Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh về phòng, chống ma túy.
- Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh nghiện ma túy.